Bí quyết giữ việc dù có bất đồng với sếp lớn
Như vậy, nói ra là cách tốt nhất để cả bạn và sếp cùng hiểu được thực chất của vấn đề ở đây là gì.
Đôi khi, bạn tin rằng mình là người đúng, còn sếp là người sai. Việc khó nhất trong những tình huống như thế là lên tiếng nói ra sự trái ngược quan điểm giữa bạn với sếp mà vẫn giữ được công việc mà bạn đang có.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nếu bạn xử lý không khéo, bất đồng với sếp rất dễ khiến bạn bị nhìn nhận như một nhân viên tồi, thậm chí đẩy bạn vào cảnh bị mất việc. Ngược lại, nếu bạn có cách ứng xử khôn ngoan, hợp tình hợp lý, bạn hoàn toàn có thể trở thành một nhân viên giá trị hơn trong mắt sếp.
Thông thường, những người bất đồng quan điểm với cấp trên thường giải quyết vấn đề một cách thiếu khôn khéo theo hai hướng: Hoặc là họ im lặng, không nói ra hay làm bất kỳ điều gì; hoặc tỏ thái độ thiếu tôn trọng với các chỉ dẫn của sếp, làm mọi việc theo ý mình mà không đả động đến bất đồng kia.
Cả hai cách trên đều không phải là cách làm tốt, và người chịu thiệt hại rất có thể lại là chính bạn. Nếu bạn bất đồng với sếp về vấn đề gì đó, hãy lên tiếng về quan điểm của mình. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn làm được việc tưởng chừng như không hề dễ dàng này:
1. Nhận thức được thực tế rằng, bạn và sếp có thể có những thông tin khác nhau
Bất đồng trong môi trường công sở thường phát sinh khi hai người có những thông tin khác nhau về việc gì đó. Có thể bạn biết việc gì đó còn sếp thì không. Bởi thế, hãy xác định xem bất đồng xuất phát từ đâu, nói với sếp xem tình hình có thay đổi không. Ngoài ra, hãy cởi mở đón nhất những thông tin mới mà sếp có thể đưa ra cho bạn. Rất có thể, thông tin mà sếp cung cấp sẽ khiến bạn phải thay đổi cách nhìn trước đó.
Chẳng hạn, bạn cảm thấy bực mình khi sếp không chấp nhận đề nghị của bạn về việc tổ chức một nhóm hỗ trợ nhập dữ liệu đang bị dồn ứ. Có thể, sếp không nhận thấy sự cấp thiết mà bạn nhìn nhận, rằng dữ liệu dồn ứ sẽ càng lớn hơn vào tháng tới trong khi email của khách hàng bắt đầu được gửi tới và người trợ lý của bạn sẽ có kỳ nghỉ đã lên lịch từ trước.
Nếu bạn trao đổi với sếp về bối cảnh cụ thể như vậy, rất có thể sếp sẽ thay đổi cách nhìn. Hoặc cũng có thể bạn sẽ được sếp thông báo một vấn đề quan trọng là, đơn vị của bạn đã hết ngân sách nên không thể bổ sung nhân sự, dù chỉ là tạm thời.
Như vậy, nói ra là cách tốt nhất để cả bạn và sếp cùng hiểu được thực chất của vấn đề ở đây là gì.
2. Đề nghị được thử nghiệm cách làm của mình trong một thời gian ngắn
Nếu bước 1 không giải quyết được bất đồng và bạn có cảm nhận rõ ràng mình là đúng, thì trong một số trường hợp, bạn nên nói với sếp đại loại như: “Tôi thực sự cảm nhận rõ về vấn đề này. Liệu ông/bà có thể cho tôi được thử cách của mình để xem thế nào không?”
Tuy nhiên, lời khuyên ở đây là bạn không nên áp dụng cách này trong mọi trường hợp gặp bất đồng với sếp, mà nên “để dành”. Chỉ khi nào bạn gặp bất đồng trong vấn đề thực sự quan trọng thì mới nên sử dụng cách này.
3. Chú ý ngữ điệu của bạn khi nói với sếp
Ngữ điệu thực sự đóng một vai trò quan trọng khi bạn nói với sếp về bất đồng giữa hai người. Ngữ điệu thể hiện sự khó khăn và thái độ bất hợp tác, và cũng có thể cho thấy sự hợp tác của bạn.
Điều bạn cần là có một ngữ điều thể hiện thái độ hợp tác, hướng tới giải quyết vấn đề, chứ không phải là ngữ điệu thể hiện sự bực dọc, phản kháng hay thù địch. Và bạn sẽ chỉ đạt được kết quả tốt nhất nếu biết giữ cuộc đối thoại với sếp trong một khuôn khổ thể hiện là bạn hiểu rằng, cuối cùng, sếp sẽ là người ra quyết định.
4. Xác định về tầm quan trọng của vấn đề đối với bạn
Một khi bạn đã nói lên quan điểm của mình với sếp, có thể sếp sẽ có cách nhìn giống như bạn, hoặc cũng có thể là sếp tiếp tục giữ cách nhìn cũ. Nếu sếp tiếp tục nhìn vấn đề theo cách riêng của sếp, thì đó là lúc bạn cần xác định xem vấn đề này quan trọng đối với bạn tới mức nào. Nếu bạn thực sự bất động sâu sắc với sếp, bạn hoàn toàn có thể thể hiện sự độc lập của mình bằng cách xin nghỉ việc và chuyển tới một công ty khác.
Tuy nhiên nhìn chung, bạn nên chấp nhận thực tế là có những lúc bạn và sếp có những cách nhìn khác nhau về một số vấn đề, và điều này hoàn toàn bình thường. Cũng như bạn không thể lúc nào cũng nhất trí 100% với bất kỳ một người nào đó khác về mọi chuyện.
Một lưu ý nữa dành cho bạn: Tất cả những lời khuyên trên đây đều được đưa ra với giả thiết là sếp của bạn là một vị sếp tốt, có cách làm việc hợp tình hợp lý. Trong trường hợp bạn có một vị sếp tồi và kinh nghiệm cho thấy, bất đồng có thể dẫn tới việc bạn bị “trừng phạt”, hãy có cách điều chỉnh hành vi của mình cho hợp lý.
Leave a Reply